Sáng 29/10/2020, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai phối hợp với Công ty Astra Zeneca đã tổ chức Hội nghị khoa học Tim mạch lần thứ I/2020. Hội nghị khoa học được chủ trì bởi BS. CKII Ngô Đức Tuấn – Giám đốc Bệnh viện và có sự tham gia báo cáo của BS. CKII Nguyễn Thị Bích Vân – Trưởng khoa Nội tim mạch, TS. BS Nguyễn Anh Dũng – Trưởng khoa Ngoại lồng ngực – Tim mạch, ThS. BS. Nguyễn Thanh Nhựt – Phó Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, BS. Nguyễn Tất Trung – PTP. Kế hoạch tổng hợp.

BS. CKII Ngô Đức Tuấn – Giám đốc Bệnh viện tặng hoa cho đại diện Cty Astra Zeneca
Hội nghị khoa học đã mang đến 4 chuyên đề đáng lưu ý về tim mạch hiện nay: “Hội chứng mạch vành mạn tính”, “Bắc cầu động mạch vành”; “Huyết khối cấp trong Stent”; “Điều trị suy tim quá tải thể tích - vai trò của kháng Vasopressin-V2”.
1. Hội chứng mạch vành mạn tính:
Năm 2019, Hội Tim mạch châu Âu đưa ra thuật ngữ “Hội chứng mạch vành mạn tính” (Chronic Coronary Syndrome – CCS). Đó là một quá trình diễn biến động với những tổn thương ổn định xen kẽ không ổn định. Các hội chứng thiếu máu cục bộ cấp tính và mãn tính có thể do nhiều cơ chế có thể chồng lấp trong cùng một bệnh nhân và có thể thay đổi theo thời gian. Diễn biến sinh lý bệnh này có thể đảo ngược được nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị, thay đổi lối sống, điều chỉnh tốt các yếu tố nguy cơ, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa.

BS. CKII Nguyễn Thị Bích Vân – Trưởng khoa Nội tim mạch
Khuyến cáo ESC 2019 cũng đưa ra 6 bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, tiếp cận 6 bước trong chẩn đoán và điều trị. Điều trị nội khoa: điều trị triệu chứng/chống thiếu máu cơ tim, ngăn ngừa các biến cố tim mạch. Trong đó gợi ý chiến lược lựa chọn thuốc điều trị giảm thiếu máu cơ tim: cá thể hóa; có thể sử dụng 1 thuốc hoặc kết hợp ngay 2 thuốc từ đầu. Các điều trị nội khoa khác giảm biến cố tim mạch, đề cập đến vai trò của các thuốc chống đông/chống ngưng tập tiểu cầu. Can thiệp mạch vành qua da (PCI), bắc cầu động mạch vành (CABG) giúp cải thiện tiên lượng và ngừa nhồi máu cơ tim.
Bệnh nhân hội chứng mạch vành mạn cần quản lý theo dõi lâu dài:
- Siêu âm tim 1-3 tháng sau can thiệp, sau đó định kỳ 1-3 năm/lần để đánh giá chức năng tim, hoạt động van tim, tình trạng huyết động.
- Nghiệm pháp gắng sức: 1-3 tháng sau can thiệp.
- Chụp động mạch vành cản quang: nếu thăm dò không xâm nhập có thiếu máu cơ tim, hoặc đau ngực CCS 3-4.
2. Bắc cầu động mạch vành:
Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG) là một loại kỹ thuật nối mạch máu ghép vào động mạch chủ. Nguồn cấp máu lấy từ động mạch chủ và nhánh từ động mạch chủ. Vật liệu làm mạch ghép có thể là: động mạch vú trong ITAs, động mạch vị mạc nối GEA, động mạch quay, tĩnh mạch hiển SVGs.

Trong phẫu thuật CABG có 2 kỹ thuật mổ là On-Pump CABG và Off-Pump CABG:
On-Pump CABG: kỹ thuật có dùng máy tim phổi nhân tạo hay còn gọi là máy tuần hoàn ngoài cơ thể. Kỹ thuật này cần làm liệt tim và miệng nối vào mạch vành.
Off-Pump CABG: Kỹ thuật tim đập không dùng máy tuần hoàn ngoài cơ thể được thực hiện khi tim vẫn đập, không làm liệt tim. Cần đặt tư thế tim và cố định vùng cơ tim, miệng nối vào mạch vành/tim đập.
Phẫu thuật CABG là một kỹ thuật tốt tái tuần hoàn động mạch vành, CABG chỉ định Class I, A cho hẹp 3 nhánh, thân chung, suy tim, đái tháo đường.
3. Huyết khối cấp trong stent:
Huyết khối trong stent là một biến chứng hiếm gặp sau can thiệp mạch vành thường biểu hiện bằng hội chứng mạch vành cấp hoặc tử vong tim mạch.
Hầu hết huyết khối trong stent (>60%) xảy ra trong vòng 30 ngày đầu sau can thiệp mạch vành. Sau 30 ngày, tỉ lệ mắc huyết khối trong stent là 0,2 đến 0,6% mỗi năm.
Huyết khối trong stent thường biểu hiện bằng nhồi máu cơ tim ST chênh lênh (50-70%) và bắt buộc phải can thiệp cấp cứu, tỉ lệ tử vong khoảng 20-45%.
Mặc dù có nhiều tiến bộ trong kỹ thuật sản xuất stent phủ thuốc và thuốc kháng tập tiểu cầu huyết khối strong stent vẫn còn là biến chứng gây tử vong của can thiệp mạch vành.

ThS. BS. Nguyễn Thanh Nhựt – Phó Trưởng khoa Can thiệp tim mạch
Để phòng ngừa huyết khối trong stent cần tầm soát các yếu tố nguy cơ, chọn lựa stent phủ thuốc phù hợp, kỹ thuật đặt stent áp tốt với lòng mạch vành cũng như tối ưu hóa thời gian sử dụng kháng kết tập tiểu cầu kép. Sử dụng stent phủ thuốc có lớp polymer có thể tan được hoặc stent phủ thuốc không lớp polymer sẽ giúp giảm thêm nữa tỉ lệ huyết khối trong stent.
4. Điều trị suy tim quá tải thể tích
Theo ESC 2016: “suy tim là một hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi các triệu chứng điển hình (VD: khó thở, phù chân và mệt mỏi) mà có thể đi kèm với các dấu hiệu (VD: tĩnh mạch mạch cổ nổi, ran phổi và phù ngoại vi) gây ra bởi bất thường cấu trúc và/hoặc chức năng tim mạch, dẫn đến cung lượng tim giảm và/hoặc áp lực trong tim cao lúc nghỉ hoặc khi gắng sức/tress”.
